Người tìm và giữ nghề cho quê hương
Làm sao để vươn lên thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương? làm sao để những người lao động nghèo, đặc biệt là lao động nữ, lao động già có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn mà không phải tha phương cầu thực? làm sao để duy trì và phát triển nghề trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế...đó là những trăn trở của chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Tân Thọ, người có công rất lớn trong việc tìm và giữ nghề cho quê hương.
Kể về chị Thắm và sự phát triển của HTX TTCN Tân Thọ là cả một chặng đường dài, chị cho biết khoảng thời gian đầu năm 1998, lúc đó xuất phát từ cuộc sống bộn bề nhiều nổi lo toan, chị đã trải qua nhiều nghề như làm thợ may rồi buôn bán nhỏ…tuy nhiên thu nhập không ổn định để trang trải cho cuộc sống. Năm 2007 Hội LHPN xã mở lớp học nghề mây tre đan, chị cảm thấy yêu thích và suy nghĩ nhiều về tiềm lực phát triển của nghề mây tre đan. Nhận thấy ở trong thôn, trong xã lực lượng lao động, đặc biệt là lao động già, lao động nữ sau mỗi mùa vụ nhàn rỗi nhiều, cộng với nghề mây tre đan không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, chỉ cần người làm ra nó có tính kiên trì chịu khó, cần cù và tỉ mỉ nhất định sẽ thành công, thế là chị quyết định đi tìm cơ hội thay đổi vận may đời mình.
Thời gian đầu, lấy lao động làm niềm vui, lấy công làm lời, chị bỏ công tìm hiểu và đến nhiều nơi sản xuất các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu xin nhận gia công từng phần về hướng dẫn lại cho bà con trong thôn, trong xã, dần dần là các công đoạn hoàn thiện một sản phẩm. Những năm tiếp theo từ việc tìm được nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cũng như đầu ra của sản phẩm, chị mạnh dạn nhận những đơn hàng lớn, đồng thời du nhập thêm các mặt hàng mới như đan hàng cói tre khung sắt, đan mành thanh hao che chắn tuyết...Có công việc mới, tận dụng được thời gian, trang trải thêm cuộc sống nên người dân đến xin học nghề và nhận hàng ngày càng đông, không chỉ trên địa bàn xã mà còn có các xã lân cận.
Nhìn thấy hiệu quả và hướng phát triển của ngành nghề TTCN, năm 2010, huyện vận động thành lập Hợp tác xã TTCN Tân Thọ và chị Thắm được bầu làm chủ nhiệm HTX. Trải qua bao thăng trầm, HTX TTCN Tân Thọ vẫn đứng vững và phát triển. Hiện nay HTX với cơ ngơi hơn 1072m2 nhà xưởng, trong đó có 01 kho sấy, 01 kho chứa hàng, phòng làm việc với tổng giá trị đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng...trong đó phần lớn là tiền chị đã vay mượn từ nhiều nguồn đã, đang đảm bảo điều kiện làm việc cho hàng trăm lao động mới phần nào thấy hết được sự quyết tâm, say mê của người phụ nữ có công tìm và giữ nghề cho quê hương. Hiện tại, với đầu ra ổn định, HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương, trong số đó có nhiều bà con các xã lân cận. Hiện tại thu nhập của người lao động tại HTX TTCN đạt từ 2,6 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Để nghề TTCN trên vùng quê nghèo có thể duy trì và phát triển như hôm nay, chị Thắm đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách mà giờ nghĩ lại nhiều khi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Ngoài việc bươn chải tìm nguồn nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, chị còn nghiên cứu sáng tạo ra nhiều kiểu dáng sản phẩm mới lạ có tính ứng dụng cao trong cuộc sống nhưng thành quả lớn nhất mà chị người phự nữ có công tìm và giữ nghề cho que hương chính là việc đào tạo một lực lượng lao động có tay nghề cao và rộng khắp trên địa bàn huyện. Riêng chị Thắm với những đóng góp của mình, chị đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; của Sở Lao động thương binh xã hội; của Chủ tịch UBND huyện…
Trao đổi với chúng tôi về những trăn trở với nghề, chị mong Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển các ngành nghề TTCN để bà con tin tưởng an tâm gắn bó với nghề. Chia tay chị Thắm, cũng vẫn với nụ cười thật trìu mến ấy, chúng tôi hiểu về chị, một con người có bản lĩnh và nghị lực. Điều gì đã tạo động lực cho chị vươn tới những thành công ban đầu, có lẽ đơn giản chỉ là mong muốn tìm và giữ nghề cho quê hương để mang lại một cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn cho gia đình và người dân lao động trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này./.