CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Phó Bí thư Đoàn xã Thăng Bình Phan Văn Hoài khởi nghiệp với mô hình trồng nấm Bào Ngư xám

Đăng lúc: 07:30:32 11/11/2024 (GMT+7)
100%

Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, cùng ý chí dám nghĩ dám làm, thanh niên Phan Văn Hoài, sinh năm 1992, thôn Thái Lai, xã Thăng Bình đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nấm Bào Ngư xám. Không những thế, anh còn là Phó Bí thư thư Đoàn xã Thăng Bình năng nổ, nhiệt tình.

z6019774848686_86dbe3b69aa5bb0663e20d9b390e73ed.jpg
   Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Miền Trung, thanh niên Phan Văn Hoài  từng làm chuyên viên đo đạc cho nhiều đơn vị ở các tỉnh phía Nam. Đến năm 2022, anh trở về quê, tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp để học hỏi.  Phát huy lợi thế thổ nhưỡng sẵn có, anh luôn ấp ủ xây dựng cho mình một mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp, mục tiêu của anh hướng đến là mô hình nông nghiệp sạch.

   Qua giới thiệu của Hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Huyện đoàn Nông Cống,  anh dày công đi thăm quan các mô hình chăn nuôi, như: Gà tre, ốc nhồi…Tìm hiểu thực tế, anh nhận thấy mô hình chăn nuôi này không phù hợp. Anh tiếp tục lên huyện Như Thanh tìm hiểu về mô hình trồng nấm. Tháng 8/2024, anh quyết định  khởi nghiệp với mô hình trồng nấm Bào Ngư xám. Quá trình  khởi nghiệp, anh luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng như Huyện đoàn Nông Cống.

   Bước đầu, anh đầu tư 150 triệu đồng trồng 10 nghìn  bịch trên diện tích 100m2. Đến nay, nấm phát triển khá tốt. Nấm Bào Ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Chu kỳ túi phôi từ khi gieo trồng cho đến kết thúc có thể cho thu hoạch từ 4- 5 lần. Mỗi bịch nấm cân nặng 40- 80g, tính trung bình mỗi túi phôi có thể cho từ 150- 250g nấm tươi. Quá trình nuôi trồng và thu hoạch có thể dài khoảng 5 tháng, tùy thuộc vào thời tiết, nhiệt độ trại nấm và kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình trồng nấm, cần chú ý bệnh mốc xanh, nấm hồng và côn trùng tấn công. Để phòng bệnh này, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm cho nhà nấm và cách bảo quản nấm đúng kỹ thuật”.

z6019774853155_a4cc53f9df918a49e13f570212b85b81.jpg

  Theo anh Hoài, nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và giữ độ ẩm tốt. Giàn kệ hoặc trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi. Nền nhà bằng đất hay cát giữ ẩm tốt hơn nhưng cần rắc vôi để tẩy trùng. Nóc nhà lợp lá tạo độ mát cần thiết cho cây nấm. Để tiết kiệm chi phí, anh  chọn trồng nấm bằng cách treo trên dây: phía trên trần nhà có các kèo gỗ để buộc dây treo phía dưới  từ 5 – 10 bịch. Mật độ phôi nấm trên diện tích nhà trồng phải phù hợp, đảm bảo độ thông thoáng nhằm đạt năng suất cao. Độ ẩm là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nấm dao động ở mức 80%, bên cạnh đó cũng cần chú ý đến nhiệt độ và cả độ thoáng khí.

   Khoảng 1 tuần nữa, lứa nấm Bào Ngư xám đầu tiêu của gia đình anh Hoài sẽ cho thu hoạch; đã có nhiều người dân tìm đến đặt hàng. Theo giá thị trường, nấm Bào Ngư xám dao động từ 40 nghìn đồng -50 nghìn đồng/kg. Như tính toán của anh, mỗi lần thu hoạch nấm đạt khoảng 10 triệu đồng; bình quân mỗi tháng thu hoạch 03 lứa thành phẩm.  Anh đang có định hướng mở rộng thêm 100m2 để trồng nấm rơm.

  Mô hình trồng nấm Bào Ngư xám là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Thăng Bình. Đây cũng là mô hình tiêu biểu của thanh niên cần được nhân rộng trên địa bàn huyện trong mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hoàng Yến