CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Nông dân Nông Cống ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất

Đăng lúc: 15:57:53 04/07/2024 (GMT+7)
100%

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhận thấy chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân huyện ta đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

      Trên cánh đồng rộng 15 ha của ông Nguyễn Bá Chung ở thôn Thanh Sơn xã Trung Chính, người dân không còn xa lạ với hình ảnh gia đình ông sử dụng thiết bị bay không người lái dùng để gieo sạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu. Đây là một trong những ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp mà ông Chung đang áp dụng trực tiếp vào sản xuất. Thiết bị được điều khiển từ xa bằng cách sử dụng công nghệ điều khiển từ xa và hệ thống cảm biến với những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Ông Chung cho biết, qua sự giới thiệu của Hội nông dân huyện, gia đình ông đã thuê thiết bị bay không người lái vào mỗi vụ sản xuất, thiết bị này không chỉ thuận tiện mà còn giúp ông giảm được 30% chi phí so với phương pháp truyền thống.
z5601079369772_2acf13fa68d1792f55d4d679185bbe19.jpg

    Thiết bị bay không người lái được ông Nguyễn Bá Chung sử dụng để phun thuốc BVTV, bón phân

    Đây chỉ là một trong những ứng dụng chuyển đổi số mà người nông dân như ông Nguyễn Bá Chung đang áp dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đến nay, các giống lúa tại vùng sản xuất lúa tập trung của HTX DV NN Trung Chính do ông làm Giám đốc đã được cấp mã vùng trồng, mã QR truy xuất nguồn gốc và được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, việc liên kết trong sản xuất cũng là một trong những phương thức chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được ông Chung áp dụng nhiều năm nay. Theo đó, việc sản xuất của gia đình ông diễn ra khá thuận lợi khi Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) đứng ra thu mua lúa ngay tại ruộng. Ông Chung cho biết: Vụ chiêm xuân 2024, gia đình ông gieo cấy các giống lúa: Hương Bình, DQ 11, QR1, Nếp Hương. Trong quá trình sản xuất, công ty hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác. Trong vụ xuấn 2024, lúa của gia đình ông đạt  năng suất đạt 80 tạ/ha và giá thu mua là 920.000 đồng/tạ, tăng 70.000 đồng/tạ so với lúa vụ chiêm xuân năm 2023. Do được mùa, được giá nên trừ chi phí, đem lại khoản thu nhập cho gia đình ông trên 380 triệu đồng, tăng gần 90 triệu đồng so với các vụ trước đó. Việc doanh nghiệp liên kết, thu mua lúa ngay tại ruộng đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình do không phải thuê nhân công vận chuyển, phơi lúa, tìm và thuê kho cất giữ lúa, đồng thời giúp gia đình có khoản thu nhập với đầu ra ổn định.

moi.jpg

     Sản phẩm Miến gạo của HTX DVSX Miến gạo Thăng Long được đăng bán trên sàn Thương mại điện tử Postmart

   Cũng giống như sản phẩm lúa của gia đình ông Chung, sản phẩm Miến gạo truyền thống của HTX DV Miến gạo Thăng Long đến nay đã được công nhận là sản phẩm OCCOP 4 sao. Để quảng bá sản phẩm, thời gian qua, trong các ngày hội xúc tiến thương mại các cấp…huyện ta đều trưng bày sản phẩm truyền thống của người dân xã Thăng Long để giới thiệu với người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm đã được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc và được đưa lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Clickwo…Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các hộ dân cũng đã sử dụng hiệu quả các ứng dụng như Facebook, Zalo đăng bán sản phẩm này. Ông Trương Hữu Hoa – Giám đốc HTX DV Miến gạo Thăng Long cho biết: “Sản phẩm miến của HTX Thăng Long được người tiêu dùng ưa chuộng vị sợi miến trắng trong, sợi dai và có vị thơm ngon đặc trưng. Từ khi sản phẩm  được đưa lên các sàn thương mại điện tử, đăng bán trên các ứng dụng mạng xã hội, sản phẩm miến gạo của HTX tiếp cận với nhiều thành phần khách hàng hơn, sản phẩm không chỉ phân phối ở những chợ truyền thống trong huyện, tỉnh mà còn mở rộng đến các tỉnh miền Trung và miền Nam. Do sản phẩm có chất lượng tốt nên các kênh nay đã giúp sản phẩm tiếp cận với đa dạng khách hàng hơn, vì thế là lượng tiêu thụ miến cũng nhiều hơn”.

mơi 2.jpg

    Sản phẩm rau Vietgap của trang trại Hảo Minh, Tế Lợi được đăng bán trên sàn Thương mại điện tử Clickwo

   Cũng giống như ông Nguyễn Bá Chung hay các hộ sản xuất miến gạo Thăng Long, hiện nay, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân trên địa bàn huyện không ngừng áp dụng công nghệ vào sản xuất ở những mô hình có quy mô lớn như ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã vạch, thuận thiện cho giao dịch. Đồng thời, sử dụng các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội để kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, người dân đã sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livetream) đăng các sản phẩm lên Facebook, Zalo, Tiktoc kèm số điện thoại để mọi người biết, ai có nhu cầu thì liên hệ. Đây cũng là hình thức đưa “chợ về vườn” mà chuyển đổi số mang lại cho người nông dân.  Hiện nay, toàn huyện đã có 20 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Clickwo, voso.vn.  Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

z5601067834963_f478edacd279b0d1b3701ea138480a74.jpg

     Chủ vườn nho Thành Hưng xã Tế Lợi quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Facebook

       Để hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi số, thời gian gian qua, bên cạnh việc tập trung thực hiện công tác tuyên truyền lồng ghép chương trình chuyển đổi số trong các hội nghị, tuyên truyền các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp qua nhóm Zalo để nông dân từng bước tiếp cận, Hội Nông dân huyện đã tích cực khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân. Điển hình như mô hình trồng lúa giống ở xã Trung Chính của ông Nguyễn Bá Chung được Hội hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Cùng với đó, Hội đã đấu mối với Trung ương hội Nông dân Việt Nam, các giảng viên của Học viên Nông nghiệp Việt Nam tổ chức các buổi tập huấn để nông dân được tiếp cận kiến thức mới trong sản xuất. Đấu mối với các đơn vị để nông dân thuê các thiết bị tiến tiến như thiết bị bay không người lái trong gieo mạ, bón phân, phun thuốc BVTV. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để mở tài khoản và phát hành thẻ ATM. Đến nay, hội đã mở tài khoản và phát hành thẻ cho 8.016 tổ viên, chiếm tỷ lệ 99%. Đối với dịch vụ Ngân hàng điện tử (sản phẩm Emobile banking), tổng số tổ viên sử dụng dịch vụ Emobile banking là 2.761 tổ viên, trong đó Hội ND là 1.625 tổ viên sử dụng, chiếm 31% số tổ viên hội ND quản lý.   

z5601080633954_44263632dd0f3db735ea3e7ced0dde06.jpg

     Hội nông dân huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị đầu bờ chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên nông dân

     Bà Trần Thị Huế , Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới, hội nông dân huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang sản xuất tiên tiến, hiệu quả hơn. Đặc biệt, hội cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, có mã QR, đã thực hiện liên kết để tập trung hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để nâng cao giá trị, chất lượng nông sản tiêu biểu trên địa bàn huyện”.

                                                                                          Trần Hà