Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nông Cống tăng cường ứng dụng công nghệ số
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng là một trong những giải pháp đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Với mục tiêu phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên kiêm nhiệm khác trong công tác giám sát, quản lý tín dụng chính sách thông qua ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để thông tin cho khách hàng về hoạt động tín dụng chính sách, các chương tín dụng cho vay, quy trình cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, các văn bản hướng dẫn …
Để cài đặt ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách, người dùng có điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS đăng nhập vào ứng dụng App Store hoặc Cửa hàng CH Play trên điện thoại rồi tìm kiếm phần mềm "NHCSXH-QLTDCS" để tải về..
Cán bộ NHCSXH huyện hướng dẫn tổ trưởng tổ TK&VV sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách
Đối với đối tượng sử dụng là Chủ tịch UBND xã, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trưởng thôn và các thành viên kiêm nhiệm khác: Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách cung cấp kênh trao đổi, thông tin về tín dụng chính sách chính xác, kịp thời, để các chủ thể tham gia quản lý tín dụng chính sách có cơ sở, thông tin đưa ra đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Với các tính năng chính là: Thông tin địa bàn; Thông báo; Cẩm nang điện tử; Thông tin tín dụng chính sách; Kiểm tra giám sát và các tính năng khác.
Đối với đối tượng sử dụng là Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn: Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách như một cẩm nang điện tử dễ sử dụng, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, trong đó có các quy trình nghiệp vụ: giao dịch nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm, thu nợ gốc bằng chuyển khoản với ngân hàng. Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách, các Tổ trưởng sẽ nắm bắt kịp thời các thông tin: nợ đến hạn, biên lai thu lãi của tổ viên vay vốn; kết quả xử lý rủi ro (nếu có), kết quả giao dịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội và số liệu hoạt động tín dụng chính sách của tổ Tiết kiệm và vay vốn,…
Tính đến ngày 31/10/2024, NHCSXH huyện Nông Cống đã cài đặt, kích hoạt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách cho 100% thành viên Ban đại diện NHCSXH huyện; 100% lãnh đạo và cán bộ tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện; 112 người là Chủ tịch, Phó chủ tịch tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã; 8 thành viên giúp việc cho chủ tịch UBND xã; 122 trưởng thôn; 100% tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Mục tiêu của đơn vị, đến ngày 15/11/2024 sẽ hoàn thành 100% việc cài đặt, kích hoạt cho các thành phần trên.
Cùng với đó, toàn huyện đã có 25 tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phát sinh thu lãi, thu tiền gửi qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024, có tối thiểu 80%/tổng số tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Việc triển khai sử dụng và khai thác ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, ứng dụng còn hỗ trợ các đối tượng người dùng trong việc theo dõi, chỉ đạo điều hành, quản lý chất lượng hoạt động tín dụng chính sách một cách khoa học, hiệu quả hơn trên địa bàn quản lý. Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách còn nâng cao kỹ năng giao dịch cho cán bộ, hỗ trợ rút ngắn thời gian giao dịch và nâng cao hiệu quả, chất lượng tại các phiên giao dịch xã.
Ngoài ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện còn tăng cường công tác tuyên truyền để khách hàng sử dụng dịch vụ VBSP Smartbanking. Các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, gồm: Chuyển tiền nội bộ cùng chủ tài khoản, khác chủ tài khoản; chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống (chuyển tiền nhanh 24/7 đến số tài khoản, đến số thẻ); chuyển tiền thường đến số tài khoản tại ngân hàng khác; chuyển tiền ủng hộ; thanh toán (hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm…); QR Pay (thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng VBSP SmartBanking).
Ngoài ra, đối với các dịch vụ phi tài chính, gồm: Kiểm tra thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay; tra cứu lịch sử giao dịch; cài đặt (cài đặt đăng nhập/xác thực bằng vân tay/khuôn mặt, đổi mật khẩu, cài đặt hạn mức nhóm chuyển tiền, cài đặt danh bạ thụ hưởng/danh bạ hóa đơn, cài đặt phương thức xác thực Soft OTP).
Cán bộ NHCSXH huyện Nông Cống hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đã giúp đơn vị tích cực hơn trong việc đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại công nghệ số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong quản lý tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Hoàng Yến - Quốc Lục
- Phó Bí thư Đoàn xã Thăng Bình Phan Văn Hoài khởi nghiệp với mô hình trồng nấm Bào Ngư xám
- Thôn Tân Dân xã Vạn Hòa chung sức xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu
- Thôn Ban Thọ xã Vạn Thắng nỗ lực xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu
- Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nông Cống tăng cường ứng dụng công nghệ số
- Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nông Cống chung tay cùng xã Tế Thắng xây dựng nông thôn mới nâng cao
- NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN NÔNG CỐNG GIAO BAN QUÝ 3 NĂM 2024 VỚI CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI NHẬN ỦY THÁC CẤP HUYỆN
- Hội Nông dân xã Hoàng Giang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm ngày lập Hội Nông dân Việt Nam
- Khởi nghiệp với mô hình Nấm Sò của thanh niên Trần Văn Tuấn, thôn Trung Liệt xã Trường Trung.
- Nem chua Khánh Hiền, xã Tế Thắng - đậm đà hương vị xứ Thanh
- Đến ngày 27/9/2024, huyện Nông Cống trồng được 1.050 ha cây màu vụ Đông