CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Làng Đông Cao xã Trung Chính lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo

Đăng lúc: 13:10:07 07/02/2025 (GMT+7)
100%

Nằm dưới bóng dãy Ngàn Nưa hũng vĩ, làng Đông Cao, xã Trung Chính là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Trong thập niên 90 của thế kỷ XX, làng Đông Cao là “cái nôi” của phong trào xây dựng làng văn hóa của cả tỉnh. Với bề dày truyền thống văn hóa làng Đông Cao đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.

  085c0cbacd2772792b36.jpg

Đình làng Đông Cao, xã Trung Chính.

     Làng Đông Cao, xã Trung Chính vốn là đất lộc điền của họ Đinh. Theo Gia phả dòng họ ghi lại thì Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt là Khai quốc công thần dưới thời vua Lê Thái Tổ. Đinh Liệt lại có công dẹp loạn Nghi Dân, phò Lê Thánh Tông lên ngôi và được Vua ban cho lộc điền. Con trai Đinh Liệt là Đinh Công Đột được họ Đinh cử vào Nông Cống tìm đất và ông đã tìm đến làng Bi Kiều lập ấp. Sau thời gian khai phá, Bi Kiều đã phát triển thành thị tứ nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền. Nhưng do Bi Kiều quá hẹp, chỉ vẻn vẹn 3 mẫu đất ở, không có đất ruộng, nên ông Đinh Công Đột đã giao cho con nuôi là Đào Khắc Thành cai quản. Còn ông đã tìm đến vùng chân núi Nưa, cách làng Bi Kiều chừng 3 cây số, lúc bấy giờ là làng Đống Cải, xã Thanh Hà, tổng Cổ Định để khai phá.

     Trải qua nhiều biến cố, đến thời vua Duy Tân, làng ngày càng thịnh vượng liền đổi tên thành Đông Cao. Xét về lịch sử hình thành, làng Đông Cao được gây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông. Làng nằm sát chân núi Nưa, ruộng đồng bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Cho nên, với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thời Hồng Đức, làng Đông Cao đã phát triển đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản. Nhờ đó, đời sống người dân no ấm, thong dong. Làng Đông Cao có ngôi đình cổ thờ họ Đinh, trong đó, Đinh Liệt được tôn xưng là Thành Hoàng làng. Theo lệ, cứ đến ngày 13 tháng giêng âm lịch, làng Đông Cao lại mở hội và tổ chức nghi thức lễ tế Thành Hoàng hết sức trang trọng. Ngôi đình này là một trong những di tích cổ tiêu biểu nhất cho cả vùng đất Cầu Quan. Đình được xây dựng vào thế kỷ XV, khi Đinh Công Đột về đây cắm lộc điền. Đình ngoảnh mặt về núi Nưa, theo hướng Tây Nam và nhìn ra cánh đồng chạy sát chân núi. Đình được dựng bằng gỗ lim liệt bản, cột to bảy tám tấc, mái lợp ngói mũi hài rộng bản. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, năm 1951, đình bị bom Pháp phá hoại chỉ còn lại nền đất. Mãi gần đây, đình mới được đầu tư tôn tạo, để trả lại cho người dân Đông Cao không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống.

     Năm 1989, Sở Văn hóa – Thông tin đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa. Được sự giúp đỡ của giáo sư Vũ Ngọc Khánh, ngày 10/9/1991, Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức hội thảo “Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa”. Trên cơ sở kết luận khoa học và thực tiễn, Sở Văn hóa – Thông tin đã chọn làng Đông Cao, xã Trung Chính là đơn vị thí điểm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi được lựa chọn thí điểm, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là thiết lập là “Quy ước Đông Cao” gồm 4 mục với 24 điều. Đây là những quy ước về văn hóa - xã hội, xây dựng kinh tế, an ninh trật tự và các quy định chung để nhân dân trong làng cùng thực hiện. Năm 1994 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định công nhận Đình làng Đông Cao là di tích lịch sử văn hóa. Đến năm 1997, làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Từ thành công của mô hình làng văn hóa Đông Cao, đã có hàng chục, hàng trăm làng, bản khắp các vùng miền trong tỉnh, bắt tay xây dựng làng văn hóa. Cũng từ  làng Đông Cao, phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

d72fc0a2073fb861e12e.jpg

Ao trước Đình làng Đông Cao.

     Trong những năm gần đây, Nhân dân làng Đông Cao cùng với con em xa quê đã chung tay đóng góp 2,2 tỷ đồng tôn tạo các công trình như: Trùng tu Đình thờ Tam Quốc Công; xây dựng Đền Bà Chúa; tôn tạo di tích mộ Cụ Đinh Công Đột, thành hoàng làng. Đồng thời đóng góp xây lại nhà văn hóa thôn; xây dựng hạ tầng khu nghĩa trang của làng; bê tông hóa đường giao thông hai xóm ngang với số tiền 1,3 tỷ đồng. Cuối năm 2024, Nhân dân trong làng cũng đã đóng góp hơn 1 t đồng để nâng cấp đường giao thông và xây dựng các thiết chế văn hóa.

     Hơn 20 năm qua, làng Đông Cao 3 lần được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và 4 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và nhiều Giấy khen của các cấp, các ngành.

     Làng Đông Cao gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa, cùng một hệ thống tín ngưỡng cổ xưa, đó là tục thờ thành hoàng làng, thờ Thánh Lưỡng; tục kết nghĩa dựa theo quan hệ huyết tộc và tổ chức sinh hoạt, sản xuất; các tục lệ ngày tết; tục lệ bảo đảm sản xuất... Để rồi, cùng với các giá trị văn hóa mới đã và đang định hình, đã góp phần làm nên một làng Đông Cao giàu bản sắc văn hóa, là nguồn cội để mỗi người con xa quê luôn thổn thức mi dịp trở về.

     Năm nay làng Đông Cao tổ chức hội làng truyền thống vào ngày 13 tháng giêng Ất Tỵ. Đây là dịp để Nhân dân trong làng, con em làng Đông Cao ở mọi miền Tổ quốc cùng tụ họp ôn lại truyền thống hào hùng của các bậc cha ông, từ đó tiếp tục thi đua học tập, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Thơ