CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975: ký ức mãi còn vang vọng

Đăng lúc: 07:22:46 30/04/2025 (GMT+7)
100%

Cứ mỗi tháng 4 về, CCB Vũ Đình Quý, thôn Thanh Ban, xã Vạn Hòa lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ về một thời oanh liệt của dân tộc Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 vẫn nguyên vẹn, luôn vang vọng hào hùng trong tâm trí của người lính năm xưa.

 5561dabab4b106ef5fa0.jpg

CCB Vũ Đình Quý (bên trái) luôn xúc động mỗi khi nhắc tới thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

     Tháng 2 năm 1972 khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Vũ Đình Quý đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Lúc bấy giờ tân bình Vũ Đình Quý được biên chế vào đơn vị Đại đội 2, Trung đoàn 14, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Sau 2 tháng huấn luyện gian khổ tại Triệu Sơn với các bài tập như làm quen, sử dụng thành thạo súng trường, tự sơ cứu vết thương, tập chiến đấu, hành quân trong đêm... Đến đầu tháng tư ông và các đồng đội nhận lệnh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

     Sau hơn 3 tháng hành quân trèo đèo lội suối, đêm nghỉ ngày đi, những cơn mưa rừng như trút nước cứ dai dẳng vào các buổi chiều làm cho cả đơn vị không nấu được cơm ăn. Có lúc đường hành quân bị nước lũ chia cắt, nhiều trạm dừng chân bị máy bay địch oanh tạc dữ dội... Thế nhưng những khó khăn, gian khổ không làm chùn bước chân của ông và những đồng đội. Đến tháng 7 năm 1972 ông vào đến chiến trường Tây Nguyên.

     Lúc này ông Vũ Đình Quý chuyển vào Tiểu đội truyền đạt, Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 631, Chiến trường Tây Nguyên. Nhiệm vụ cụ thể của ông là truyền đạt mệnh lệnh của Chỉ huy đến các Đại đội.

     Trong hồi ức của mình, ông Quý nhớ về trận đánh đồn Chư Nghé, thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của ông khi vào chiến trường Tây Nguyên. Trong trận này ông cùng với Tiểu đoàn trường, Trung đội trưởng trinh sát, 3 đồng chí công binh đi trinh sát địa hình phục vụ nhiệm vụ của đơn vị đánh chiếm mục tiêu và quyết tâm phải đánh thắng. Sau nhiều ngày trinh sát, điều tra nắm chắc tình hình địch, tối ngày 31 tháng 8 năm 1972 đơn vị ông đánh chiếm đồn Chư Nghé. Trận đánh vô cùng ác liệt. Đến sáng ngày 02/9/1972 đơn vị ông đã tiêu diệt gọn sinh lực địch tại đây và thu nhiều quân trang, quân dụng.

     Sau Hiệp định Pa-ri, ông và các đồng đội trong đơn vị được giao nhiệm vụ cắm cờ tại các nơi đã được giải phóng. Đến tháng 10/1974 đơn vị ông được giao nhiệm vụ tham gia đánh chiếm Buôn Mê Thuột và Kon Tum. Trong thời gian này, ông Quý cùng với lực lượng công binh tham gia đào hầm, đánh nghi binh địch. Tháng 02 năm 1975 ông Quý cùng đồng đội hành quân sang tỉnh Đăk Lăk để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên.

d8930c9f6394d1ca8885.jpg

Trở về cuộc sống đời thường CCB Vũ Đình Quý luôn phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ gương mẫu trong các phong trào thi đua ở địa phương.

     Trong dòng cảm xúc, ông Quý chia sẻ: “Đầu năm 1975 chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong tháng 3 năm 1975 đơn vị tôi đã chiến đấu, giải phóng Tây Nguyên, sau đó nhận lệnh xuống giải phóng đồng bằng”.

     Trong những ngày tháng 4 năm 1975 với khí thế dâng cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông và các đồng đội đã viết quyết tâm thư bằng máu, nguyện quyết chiến, quyết thắng giải phóng quê hương.

     CCB Vũ Đình Quý, thôn Thanh Ban, xã Vạn Hòa chia sẻ: “Trong  ngày 27 và 28 tháng 4 năm 1975 đơn vị tôi chiến đấu ở khu vực Đồng Dù (Củ Chi), nhiệm vụ của đơn vị là chốt chặn tại ngã tư Củ Chi không cho địch rút khỏi Sài Gòn và ngược lại không cho địch từ các nơi khác về Sài Gòn. Đến đêm 29/4 đơn vị tôi chuyển về Hóc Môn và sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệm vụ vẫn là chốt chặn địch. Đến trưa ngày 30/4, khi nghe tin giải phóng, chúng tôi vỡ òa sung sướng. Cả ngày hôm đó chúng tôi hầu như không ăn gì vì sung sướng quá”.

     Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đến năm 1977, ông Vũ Đình Quý được chuyển đi học tại Trường Trung học Quân y thuộc Cục Quân y, Bộ Quốc Phòng ở Sơn Tây. Đến tháng 02 năm 1979 ông chuyển về công tác tại Phòng Quân y, Đặc khu Quảng Ninh. Khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, ông Quý tham gia với vai trò là quân y, chăm sóc, điều trị cho các cán bộ, chiến sĩ bị thương trong các trận đánh. Đến năm 1988 ông chuyển về công tác ở Quân Khu 3. Đến năm 1993 ông về nghỉ chế độ BHXH tại quê hương.

     Trong suốt thời gian công tác trong quân ngũ, CCB Vũ Đình Quý đã có nhiều thành tích xuất sắc, được các cấp khen thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quyết thắng, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Dũng sĩ Quyết thắng và nhiều phần thưởng khác. Mới đây CCB Vũ Đình Quý đã được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

f2b671891382a1dcf893.jpg

CCB Vũ Đình Quý sống giản dị, hạnh phúc bên gia đình.

     Theo lời kể của ông Quý, so với nhiều đồng đội ông đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, ông là người may mắn khi còn sống trở về. Mỗi dịp tháng 4 về, những ký ức về những ngày rực lửa của dân tộc lại ùa về, nỗi nhớ thương những đồng đội đã hy sinh khiến ông xúc động, nghẹn ngào. Thanh xuân của ông đã cống hiến trọn vẹn cho Tổ Quốc, góp một phần công sức làm nên thời khắc thiêng liêng của lịch sử toàn dân tộc trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, giành lại độc lập cho dân tộc. Trải qua những năm tháng ấy nên ông càng thấy trân quý hơn giá trị của hòa bình.

     Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí CCB Vũ Đình Quý ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 vẫn mãi còn vang vọng như nhắc nhớ về một thời hào hùng của dân tộc. Giờ đây trở về với cuộc sống đời thường, CCB Vũ Đình Quý luôn phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua của địa phương và có cuộc sống giản dị, hạnh phúc, quây quần bên những người thân trong gia đình.

 

Nguyễn Thơ