CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Hành trình đến với địa chỉ đỏ của Đoàn thanh niên huyện Nông Cống

Đăng lúc: 11:40:37 30/09/2024 (GMT+7)
100%

Ngày 29-9-2024, Đoàn thanh niên huyện Nông Cống tổ chức hoạt động “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Võ Uy, thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc.

   z5880783661386_75e5cc409feffc029bd1ebc944ca242f.jpg
Đoàn viên thanh niên dâng hương tại Đền thờ Võ Uy
   Tại đây,  đoàn viên thanh niên huyện Nông Cống đã dâng hương, nghe lịch sử truyền thống Đền thờ Võ Uy và tổ chức tổng dọn vệ sinh khu toàn bộ khu vực Đền.

    Theo sử sách, sau hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi đã cắt cử tướng văn, tướng võ, trong đó Võ Uy, ngoài việc tiên phong là bậc Thượng tướng quân thần còn kiêm tướng hậu cần, chia nhau dốc sức đội quân thiết đột địch. Vào năm Giáp Thìn (1424), Võ Uy vâng mệnh hầu Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đem quân thiết đột quân Minh, sai phái quân lên trước phá trận Trấn Năng (Bát Mọt - Thường Xuân), bắt được tướng, lại đuổi chúng đến các huyện Thụy Nguyên (Yên Định, Thiệu Hóa), Nông Cống, Lôi Dương (Thọ Xuân).

z5880783642023_4ca13d3490097821d48ba353f40c4b5f.jpg
Đoàn viên thanh niên cùng tìm hiểu về lịch sử Đền thờ Võ Uy

   Tại trận đánh quân Minh ở Thuận Thiên - An Định, năm 1424 ông đã anh dũng hy sinh. Võ Uy có công lớn đối với triều đình và được vua Lê Lợi phong là Anh hùng hầu lệ Khả Lam cho phù quốc sự. Sau phong nhập Thiếu úy Trương Quốc công, Võ Uy được vua ban quốc tính là họ Lê (họ của vua Lê Lợi). Võ Uy là một trong số 12 công thần hy sinh ngoài mặt trận được an táng tại Lam Sơn cùng với Lê Lai, về sau con cháu đưa dời mộ về Đa Căng, Nông Cống. Nhớ ơn danh tướng Võ Uy, sau khi ông mất, Nhân dân các làng đều lập bàn thờ, tuy nhiên hiện nay còn lại duy nhất là đền thờ Võ Uy ở thôn Ngọc Uyên.

z5880783625490_9ed40f315e97da0111c8645d6aeaf0f8.jpg
 Đền thờ Võ Uy được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996

   Đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVI trên diện tích 450m2, kết cấu 5 gian, xây dựng theo lối kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Đền thờ Võ Uy được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh, bom đạn ác liệt khiến ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần mái bị nứt, dột, một số cấu kiện gỗ bị mối mọt... Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ năm 2019, cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện, xã Tân Phúc đã vận động kêu gọi người dân địa phương cũng như con em trên mọi miền đất nước đóng góp, tôn tạo lại Đền. Sau 2 năm vận động xã hội hóa, ngôi Đền được tôn tạo với nhiều hạng mục, như: hạ giải toàn bộ mái; thay đổi toàn bộ cửa chính; tu bổ, phục hồi các loại ván gió, ván ngạch, gỗ lim; lát gạch, nâng nền; cải tạo khuôn viên... với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.

z5880783679940_8ca046a985081e5f244bb46125b9d37a.jpg
Đoàn viên thanh niên tổng vệ sinh khu vực Đền thờ Võ Uy

   “Hành trình đến địa chỉ đỏ - địa danh lịch sử cách mạng” năm 2024 là dịp để thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên, thanh thiếu niên huyện Nông Cống được đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Võ Uy. Đồng thời góp phần giáo dục đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh cách mạng và thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với sự hi sinh anh dũng của thế hệ cha anh, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Qua đó phấn đấu rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị, hun đúc tinh thần hăng hái trong học tập cũng như công tác, góp phần cùng địa phương chăm lo tốt cho thiếu niên, nhi đồng.

Hoàng Yến

Các tin khác