CCB Mạch Văn Mậu làm giàu từ nuôi ốc nhồi
Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của “Người lính Cụ Hồ”, trong những năm qua CCB Mạch Văn Mậu, chi hội thôn Đoài Đạo, xã Công Liêm đã đẩy mạnh phong trào thi đua CCB gương mẫu, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Với mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm, hàng năm gia đình ông có thu nhập trên 300 triệu đồng.
CCB Mạch Văn Mậu (người áo trắng) làm giàu với mô hình nuôi ốc nhồi.
CCB Mạch Văn Mậu chia sẻ: tháng 8 năm 1978 ông nhập ngũ tại đơn vị C20, E165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, năm 1983 ông xuất ngũ về địa phương. Thời gian đầu kinh tế gia đình chủ yếu là làm 12 sào đất vườn, đào ao thả cá. Năm 1994 địa phương địa phương dồn điền đổi thửa, ông đã nhận 6 sào đất 2 lúa ở gần nhà để sản xuất nhưng thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn.
Với khát khao vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu trên quê hương, năm 2012 sau khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và đi thăm quan học tập kinh nghiệm ở một số nơi, CCB Mạch Văn Mậu đã bắt đầu đầu nuôi ốc nhồi.
Ao tự nhiên là môi trường thích hợp cho ốc nhồi phát triển.
Lúc đầu sẵn có ao cá trong vườn với diện tích 650 m2, ông đặt 19 tráng để nuôi. Qua quá trình chăn nuôi ông Mậu nhận thấy nuôi ốc nhồi có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi cá, nên không đã chuyển hẳn sang nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.
Với lợi thể ở sườn đồi, có nguồn nước sạch, năm 2022, gia đình ông đã xin được chuyển đổi mục đích sử dụng 6 sào đất 2 lúa sang đất nuôi trồng thủy sản. Từ đó ông đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để đào các ao, xây bờ bao quanh toàn bộ diện tích và quy hoạch vùng trồng sắn, mướp, bầu, bí.. làm thức ăn cho ốc nhồi.
Bờ ao được ông Mậu trồng cỏ dại và cây thủy sinh cho ốc trú ngụ.
CCB Mạch Văn Mậu chia sẻ: “Kỹ thuật nuôi ốc nhồi không khó, song người nuôi phải nắm bắt một số bước ban đầu đó là nguồn nước nuôi ốc phải sạch sẽ và trong ao trồng cây thủy sinh, cỏ dại cho ốc trú ngụ”.
Theo ông Mậu, ốc nhồi phát triển từ tháng 2 âm lịch đến đầu tháng 11 âm lịch. Trong khoảng thời gian này thời tiết ấm, phù hợp cho ốc sinh trưởng và phát triển. Những tháng còn lại trong năm thời tiết khắc nghiệt, chủ yếu là giá lạnh, ốc nhồi ngủ đông. Nên người nuôi phải có biện pháp chống rét cho ốc như: Thả bèo tây, trồng cây hoa súng và cỏ dại để lấy nơi cho ốc trú ngụ, tránh rét.
Ốc nhồi thương phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc, CCB Mạch Văn Mậu cho biết thêm: Ốc nhồi có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, nuôi ở môi trường ao tự nhiên là hiệu quả nhất. Mật độ nuôi khoảng 80 đến 100 con/m2. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi ốc đẻ trứng là trọn vẹn một quy trình sinh trưởng đã có thể xuất bán ốc ra thị trường. Đối với ốc bố mẹ, sau 2-3 năm đẻ trứng liên tục thì cần loại bỏ thay ốc bố mẹ hậu bị để cải thiện chất lượng con giống. Về ốc thương phẩm, khoảng hơn 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao lớn là có thể thu hoạch. Ốc nhồi dễ nuôi, thức ăn hoàn toàn có thể tìm kiếm trong tự nhiên nên không mất nhiều chi phí.
Ốc nhồi giống.
Từ thực tiễn sản xuất, ông Mậu đã tích lũy kinh nghiệm trong việc ấp trứng ốc để đạt hiệu tỷ lệ cao. Trong ao nuôi ốc bố mẹ, ông tạo các mô hình cho ốc đẻ trứng, sau đó thu gom trứng ốc vào khay nhựa đặt trong các thùng xốp thủng đáy có nước ở bên dưới để ấp. Quá trình ấp ông dùng vải ướt phủ lên trứng ốc để trứng luôn có độ ẩm. Khi ấp trứng mùa hè phải chú ý phun nước để trứng không bị khô Sau 18 – 21 ngày trứng ốc nở và ốc con tự bò xuống nước. Với cách làm này tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi, sau 15 ngày có thể xuất bán.
Trứng ốc nhồi được ông Mậu thu gom để ấp trong thùng xếp cho tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt cao.
Với giá bán trên thị trường hiện nay là 80 nghìn đồng/1 kg ốc thương phẩm; 2 triệu đồng/1 kg ốc giống (loại khoảng 2 vạn con/1kg). Mỗi năm gia đình ông Mậu xuất bán khoảng 120 tạ ốc thương phẩm và 50 triệu tiền ốc giống ở nhiều kích cỡ khác nhau. Sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Ốc giống và ốc thương phẩm của gia đình ông được xuất bán đến các địa phương trong và ngoài huyện.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, CCB Mạch Văn Mậu còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống cho các hộ dân và các hội viên trong và ngoài xã có nhu cầu, mong muốn phát triển nuôi ốc nhồi hiệu quả.
Ông Lê Thế Trường, Chủ tịch Hội CCB xã Công Liêm.
Ông Lê Thế Trường, Chủ tịch Hội CCB xã Công Liêm cho biết: “Mô hình nuôi ốc nhồi giống và thương phẩm của CCB Mạch Văn Mậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những mô hình điển hình của Hội CCB xã, khẳng định sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm hướng đi mới, làm giàu trên chính quê hương”.
Ngoài nuôi ốc nhồi CCB Mạch Văn Mậu còn phát triển vườn cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm.
Mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm của CCB Mạch Văn Mậu đã khai thác có hiệu quả tiểm năng sẵn có ở địa phương, mở ra hướng phát triển con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao cho gia đình cũng như nhân rộng cho người dân vùng nông thôn.
Nguyễn Thơ
- Huyện Nông Cống được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Lợi Đức chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Huyện Nông Cống vinh danh giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc học mầm non năm học 2024 - 2025
- Đảng ủy Quân sự huyện Nông Cống ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025
- Huyện Nông Cống có 15 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2024 - 2025
- Huyện Nông Cống tham dự hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2025
- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống tổ chức khen thưởng giáo viên và học sinh
- Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Nông Cống phối hợp khám mắt cho hội viên
- Đại hội Câu lạc bộ doanh nhân họ Trần huyện Nông Cống lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 – 2029
- Hội nghị triển khai, phổ biến một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024