CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Gặp cựu dân công hỏa tuyến của Đại đội xe đạp thồ xã Hoàng Sơn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 14:50:03 24/04/2024 (GMT+7)
100%

Nhắc đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không thể không nhắc tới vai trò to lớn của những chiếc xe đạp thồ và những đóng góp của hậu phương Thanh Hóa trong chi viện sức người, sức của cho kháng chiến. Trong đó, Đại đội xe đạp thồ xã Hoàng Sơn đã vinh dự được Chính phủ tặng Huân chương chiến công hạng Nhất khi kết thúc chiến dịch. Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về gặp cụ Lê Đình Chuyển, thôn Phú Quý xã Hoàng Sơn, nhân chứng còn lại duy nhất trong Đại đội xe đạp thồ Hoàng Sơn năm ấy để được sống lại trong những ngày tháng lịch sử của dân tộc.

        5313041cf4c05a9e03d1.jpg
Cụ Lê Đình Chuyển phấn khởi kể về những ký ức của Đại đội xe đạp thồ Hoàng Sơn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Cụ Lê Đình Chuyển sinh năm 1930, năm nay đã 94 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ đã không còn minhmẫn như xưa, tai đã không còn nghe rõ, nhưng khi được hỏi về ký ức của chiến dịch Điện Biên Phủ, nét mặt cụ phấn khởi và hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ấy. Đó là những ký ức đã ăn sâu trong tâm trí cụ mãi mãi không phai mờ.

        Trong những năm 1952-1953, cuộc chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất.  Nông Cống bấy giờ cùng với cả tỉnh là hậu phương, cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch. Thực hiện nhiệm vụ đó, hàng vạn thanh niên trong huyện xung phong tình nguyện lên đường tham gia dân công, tiếp vận, phục vụ chiến dịch. Lúc bấy giờ, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, hội mẹ chiến sỹ, hội phụ lão…tuyên truyền vận động gia đình, người thân đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men ủng hộ các đơn vị dân công và bộ đội. Cả Nông Cống sôi nổi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiễn đưa dân công ngắn hạn và dài hạn lên đường. Trong đó, các dân công dài hạn tổ chức thành 9 đội nam và 1 đội nữ tải thương, 1 đại đội xe đạp thồ của xã Hoàng Sơn.

93adbd0148d9e687bfc8.jpg

      Xe đạp thồ phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).

       Hòa chung khí thế ấy, cụ Chuyển lúc này là chàng trai 22 tuổi trở thành thành viên của Đại đội xe đạp thồ Hoàng Sơn, Nông Cống vượt suối, băng rừng để phục vụ chiến dịch. Cụ Chuyển cho biết: “Lúc đó, cả huyện khí thế lắm, xe thồ là phương tiện quý của nhiều nhà nhưng vì đánh đuổi giặc nên chúng tôi đều xung phong mang xe thồ của gia đình đi”.

      Đại đội xe đạp thồ của cụ lúc đó gồm 50 người đều ở tuổi đôi mươi, cùng với các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa… thành Đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa bắt đầu tiến quân từ Ngã Ba Voi. Sau đó, tập kết tại Hồi Xuân được biên chế và chỉnh đốn đội ngũ, phân công người khỏe xe tốt tham gia hỏa tuyến, người trung bình tham gia trung tuyến, phụ nữ và người cao tuổi thì tham gia hậu tuyến.

     Đội xe đạp thồ xã Hoàng Sơn của cụ được phân công tham gia hỏa tuyến. Từ Hồi Xuân, đoàn đi qua các địa danh như Suối Rút – Hòa Bình – Mộc Châu  – Sơn La vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Từng đoàn xe thồ phải ngụy trang để tránh địch phát hiện. Cụ Lê Đình Chuyển nhớ lại: “Thồ gạo đi đường rừng vất vả lắm, vừa đường rừng, vừa qua khe suối, vừa thồ vừa vác, đi đến khe là phải vác, gian nan vô cùng”.

       Để chiếc xe đạp thồ chở được năng suất, xe chống chịu được khi đi trên rừng núi ghồ ghề, Cụ Chuyển cho biết, tất cả xe đạp thồ năm ấy đều được gia cố vững chắc. Ghi đông xe được buộc một đoạn tre già và chắc dài khoảng 1 mét. Trục yên xe gắn thêm một đoạn tre cao hơn yên xe khoảng 50cm  giúp gia tăng sức chịu lực của xe, vừa để cầm và giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi. Bánh xe được quấn thêm săm xe cũ, vải thừa, quần áo hỏng…để làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi ghập nghềnh. Lúc đó, xe của cụ chở được 50 kg gạo. Còn trong Đại đội, nhiều người khỏe chở được nhiều hơn, có người chở được hơn 100 kg. Đi khó, chở nặng nhưng ăn uống cũng không đủ no, mặc không đủ ấm, đường núi ghồ ghề, đôi bàn chân rỉ máu, đôi bàn tay mỗi người đều bỏng rát, nấu ăn cũng phải khẩn trương để né bom đạn, gian khổ và nguy hiểm vô cùng.

720033af3773992dc062.jpg

       Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch (Ảnh: TTXVN).

          Khó khăn là vậy, song đoàn xe đạp thồ năm ấy, muôn người như một với quyết tâm “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên toàn thắng”. Ai ai cũng khí thế hừng hực, quên hết mọi khó khăn vất vả. Ngày chiến thắng, tất cả anh em hòa reo sung sướng, không thể diễn tả được niềm vui. Cụ Lê Đình Chuyển xúc động nhớ lại “Lúc chiến dịch thành công, dân công chúng tôi nam cũng như nữ vui sướng không tả xiết, hò reo nhảy múa sung sướng lắm”.

        Sau chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cùng với hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ và dân công trong huyện được Chính phủ tặng Huân, huy chương, Đại hội xe đạp thồ xã Hoàng Sơn của cụ đã vinh dự được tặng Huân chương chiến công Hạng Nhất. Đây mãi mãi là niềm tự hào của cụ Chuyển cũng như hàng vạn người con Nông Cống đã không tiếc máu xương mình, cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc. 

        Kết thúc chiến dịch, trở về với cuộc sống bình dị, Cụ Chuyển làm đội trường đội sản xuất của xã Hoàng Sơn. Cụ lập gia đình và sinh được 9 người con, trong đó có 4 trai, 5 gái. Con trai cả là bác sỹ quân y tại chiến trường chống Mỹ, chống Pôn – Pốt tại Campuchia, con trai thứ 4 cũng tham gia chống Pôn- Pốt tại Campuchia. Ở cái tuổi xế chiều, cụ mãn nguyện khi nhìn thấy đất nước đã bình yên, các con cháu của cụ được sống trong hòa bình.

        Trong số 50 người trong Đại đội xe đạp năm ấy, giờ còn lại cụ Chuyển, đồng đội năm xưa đều đã yên nghỉ. Truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước là niềm tự hào với thế hệ trẻ của xã hôm nay. Ông Lê Đình Hòa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Sơn cho biết: “Hiện nay Đại đội xe đạp thồ của xã Hoàng Sơn nay còn duy nhất cụ là nhân chứng sống còn lại. Chúng tôi thế hệ tiếp nối các cụ hết sức trân trọng tự hào về truyền thống vẻ vang ấy và sẽ cố gắng để thật xứng đáng với truyền thống đó”.

       Về gặp lại nhân chứng duy nhất còn lại của Đại đội xe đạp thồ Hoàng Sơn năm ấy, lịch sử của một thời kỳ “gian khổ vô cùng nhưng hào hùng tột độ” của dân tộc ùa về. Trong những tháng này lịch sử này, tri ân những người như cụ Chuyển để mỗi người dân thêm tự hào về truyền thống Cách mạng và biết trân trọng giá trị hòa bình hôm nay.

  Trần Hà