CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM VỀ PHÁT TRIỂN CN-TTCN, NGÀNH NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NÔNG CỐNG

Đăng lúc: 15:09:22 08/07/2020 (GMT+7)
100%

Xác định công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ qua, huyện đã xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề là một trong 3 chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện. Với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất CN-TTCN hàng năm dự kiến đạt 17,94%, (vượt mục tiêu Đại hội); giá trị sản xuất ước đạt 5.109,4 tỷ đồng, gấp 2,28 lần năm 2015; tỷ trọng ngành CN-XD chiếm 46,7%, (KH 43,3%), tăng 15,5% so với năm 2015; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành CN-XD chiếm 40,44% đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện nhà theo hướng công nghiệp, hiện đại.

            Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất CN-TTCN, như: ban hành đề án phát triển Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề huyện Nông Cống giai đoạn 2016-2020 và định hướng sau năm 2020; xây dựng thành công nhãn hiệu “Tập thể Nón lá Trường Giang”, nhãn hiệu “Miến gạo Thăng Long”. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm Công nghiệp thị trấn đến năm 2020 với diện tích 41,6ha; điều chỉnh quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Thị trấn Nông Cống; lập quy hoạch cụm công nghiệp Tượng Lĩnh, cụm công nghiệp Hoàng Sơn; bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp đến năm 2045 tại các xã : Vạn Thiện, Công Liêm, Trung Chính tạo mặt bằng để phát triển doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư. Phát triển mới 06 nhà máy may, 1 nhà máy giày da xuất khẩu, tạo việc làm mới cho 6.000 lao động. Chấp thuận cho 04 dự án thương mại dịch vụ tại Thị trấn, các xưởng sản xuất tại Hoàng Giang, Trung Thành, Tân Phúc, Thăng Long... Thu hút đầu tư đã có chuyển biến mạnh mẽ; các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN tiếp tục đầu tư vốn để cải tiến máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, toàn huyện có 4.910 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 17.365 người, 10  nhà máy may đang hoạt động, 16 cơ sở may, 1 dự án giầy da xuất  khẩu. Trong 5 năm thành lập mới được 318 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn 463, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Tân Tiến phát, Hoàng Tùng, Trường Phát, Dream Fvina, Hừng Đông, Kim Anh, Giày xuất khẩu Kim Việt, cơ khí Hoàng Giang...; toàn huyện có 4.640 cơ sở sản xuất cá thể và 7.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại, 49 HTX, trong đó có nhiều HTX kinh doanh hiệu quả như HTX Thăng Long, HTX Công Chính.... Nhiều ngành nghề từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế và có bước tăng trưởng khá như: chế biến nông sản thực phẩm; chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ... Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần tăng cao tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế của huyện.

Đi đôi với phát triển CN, thời gian qua, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TTCN. Hiện trên địa bàn có nhiều làng nghề, sản phẩm làng nghề phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Như làng nghề nón lá, quy mô 1.290 hộ, thu hút 3.017 lao động, chủ yếu tại xã Trường Giang (980 hộ với 2.393 lao động), Trường Trung (192 hộ với 384 lao động), Trường Sơn (90 hộ với 180 lao động), Trường Minh (30 hộ với 60 lao động) và còn lại rải rác ở một số xã khác. Sản phẩm là nón lá với số lượng đạt khoảng hơn 2,7 triệu chiếc/năm, tổng giá trị đạt khoảng 96 tỷ đồng. Làng nghề làm hương bài tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, quy mô 62 hộ, với 113 lao động, số lượng sản phẩm đạt khoảng 75.000 bó/năm, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Làng nghề chiếu cói và các sản phẩm từ cói, quy mô 461 hộ, thu hút 1.055 lao động và chủ yếu tại các xã Trường Giang, Minh Khôi, Tế Nông, Tượng Sơn; diện tích vùng nguyên liệu 281 ha tại 10 xã. Làng nghề làm miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, quy mô 52 hộ, thu hút 148 lao động; sản phẩm chủ yếu miến sợi, bánh phở, với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm, tổng giá trị đạt gần 29,5 tỷ đồng/năm. UBND tỉnh đã công nhận làng nghề miến gạo truyền thống Tân Giao và huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án tạo lập, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Miến gạo Thăng Long” cho sản phẩm miến gạo huyện Nông Cống... Nghề mộc mỹ nghệ - là nghề truyền thống có từ lâu đời ở làng Thọ Thượng, xã Thăng Thọ được nhiều khách hàng biết đến với các sản phẩm có tính nghệ thuật cao, nhất là chạm, khảm trai... Để đẩy mạnh phát triển ngành nghề TTCN huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: chế biến thức ăn gia súc, nông sản, thủy sản, dược liệu; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với đào tạo nghề cho người lao động. Khuyến khích các hộ gia đình sản xuất hàng TTCN, thành lập HTX TTCN để tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên doanh, liên kết với các đơn vị trong, ngoài tỉnh trên các lĩnh vực đào tạo, đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, duy trì làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống, xây dựng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới.

Từ những kết quả trong lĩnh vực phát triển CN –TTCN trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ qua đã minh chứng cho tính đúng đắn của các chương trình trọng tâm, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Đây là tiền đề quan trọng để CN –TTCN làm đòn bẩy cho nền kinh tế huyện nhà phát triển mạnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
MAI TRANG