Chuyển đổi số toàn diện trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống
Sau khi được công nhận xã NTM nâng cao vào năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Hòa đã đồng lòng, quyết tâm, không ngừng phấn đấu để duy trì và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí của xã, xây dựng xã Vạn Hòa thành xã NTM kiểu mẫu. Đối với xây dựng NTM kiểu mẫu, thành công lớn nhất của xã Vạn Hòa là chỉ đạo xây dựng lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số, mang đến cho người dân cuộc sống hiện đại, thông minh, đáp ứng nhu cầu công nghệ trong giai đoạn hiện nay.
Xã Vạn Hòa nằm ở phía Tây Nam huyện Nông Cống, lợi thế liền kề trung tâm huyện, có Quốc lộ 45 đi qua, đây là điều kiện khá thuận lợi để Vạn Hòa phát triển toàn diện và có những bứt phá. Tổng diện tích tự nhiên của xã gần 816 ha; dân số 5.900 người. Những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM luôn nhận được sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, diện mạo nông thôn ở Vạn Hòa khởi sắc, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát; hệ thống giao thông được đầu tư khang trang, đường bê tông trải dài ra đồng; đường làng ngõ xóm quy hoạch đẹp mắt; đời sống nhân dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 69,11 triệu đồng/người/năm. Ông Vũ Trọng Nghĩa, thôn Thanh Ban xã Vạn Hòa chia sẻ:
Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Đảng ủy, HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ xã Vạn Hòa đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số, đây chính là lĩnh vực nổi bật, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Xã tập trung đẩy mạnh phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh một số ngành dịch vụ - thương mại có lợi thế của địa phương. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ cá thể tiếp cận tốt các chính sách của Nhà nước để thúc đẩy phát triển thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ đúng quy định của pháp luật; khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang mô hình liên kết.
Trong sản xuất nông nghiệp, người dân ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã và đang hình thành trên địa bàn.Tiêu biểu như: Gia trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Inh, thôn Tân Dân quy mô 1 nghìn con, gia trại lắp đặt hệ thống cảm biến tự động, điều chỉnh nhiệt độ chuồng trại và điều khiển bằng điện thoại thông minh; lắp đặt camera giám sát đến từng ô; lắp đặt hệ thống cho ăn tự động. Do đó, gia trại giảm số lao động thường xuyên từ 5 lao động xuống còn 2 lao động, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tăng thu nhập lên 70% so với chăn nuôi thủ công trước đây. Ngoài ra, một số hộ trồng rau, củ, quả đã áp dụng công nghệ số trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Các cửa hàng kinh doanh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quản lý đơn hàng, quản lý trả hàng, quản lý nhân sự, theo dõi doanh thu, thanh toán hàng hóa, người mua có thể không dùng tiền mặt mà quét mã QR code, ví điện tử…
Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Vạn Hòa xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; lấy người dân là trung tâm. Từ đó, xã Vạn Hòa đẩy mạnh việc phát triển 3 trụ cột, đó là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số đáp ứng với yêu cầu trong tình hình hiện nay. Đến nay, theo đánh giá, xã Vạn Hòa đạt 8/8 tiêu chí theo lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.
Đi đầu trong chuyển đổi số, xã Vạn Hòa đã áp dụng việc xử lý văn bẳn đến và văn bản đi trên môi trường mạng. Việc sử dụng văn bản điện tử không chỉ góp phần cải cách hành chính, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách cho địa phương. Chỉ tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/10/2023, tổng số văn bản đi/đến toàn xã là 1.867 văn bản, trong đó 371 văn bản đi, 1.496 văn bản đến. Các văn bản được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng đạt 100%. Ngoài văn bản điều hành của Đảng ủy, UBND xã và các đoàn thể, việc báo cáo từ thôn đến xã được thực hiện qua trang Zalo, giúp giảm 95% lượng văn bản so với trước đây.
Toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độc 4 được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử trên địa bàn xã. Thực hiện chủ trương của TTCP về việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiến tới xã hội số, kinh tế số, đẩy mạnh giao dịch điện tử, chứng thực bản sao điện tử có nhiều tiện ích giúp người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện các thủ tục. Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng nhiều lần.
Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, hiện xã có phòng họp trực tuyến kết nối các huyện, tỉnh và Trung ương, với đầy đủ thiết bị tối ưu, cơ sở vật chất phòng họp được đầu tư đồng bộ. Phòng họp trực tuyến nhằm giảm được thời gian, kinh phí đi lại, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn.
Đáp ứng sự biến đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ số, xã Vạn Hòa đã sử dụng nền tảng công nghệ số để chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy và chính quyền xã đến 100% cán bộ thôn. Trong đó, xã áp ứng mô hình “Thôn thông minh”, lấy thôn Đồng Thanh làm điểm xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Thôn có 01 trạm BTS cung cấp dịch vụ thông tin di động của Vinaphone; 223/242 hộ dân sử dụng dịch vụ Internet, đạt 92,1%. Cán bộ thôn ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân. Chính vì vậy, mọi thông tin được đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả cao. Ông Nguyễn Huy Phong, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Thanh cho biết:
Đảm bảo tốt tình hình ANTT, xã Vạn Hòa lắp đặt đồng bộ hệ thống camera an ninh. Hệ thống được tích hợp vào hệ thống quản lý tập trung và kết nối ứng dụng ThanhHoaS để người dân, công an, chính quyền cùng giám sát tình hình ANTT trên địa bàn. Qua đó, người dân phát hiện, phản ánh kịp thời các vấn đề về ANTT, hành vi xả rác bừa bãi…., góp phần nâng cao ý thức chấp hàng pháp luật của người dân.
Hướng tới một môi trường số đồng bộ, trên địa bàn xã Vạn Hòa, hiện có 2.689/3.557 người trong độ tuổi lao động của kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu, đạt 75,6%. Trong năm 2023, toàn xã có 2.177/3.557 người trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử, đạt 61,2%. Cùng với việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, việc sử dụng tài khoản thanh toán điện tử của người dân trong xã đã trở nên khá phổi biến. Người dân thường sử dụng dụng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán các loại dịch vụ, như: Chuyển tiền cho người thân ở xa, nộp tiền học cho con, thanh toán tiền điện, tiền nước sinh hoạt, mua hàng trực tuyến…Hiện toàn xã có 287 hộ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ điện cho Điện lực Nông Cống thông qua ứng dụng APP CSKH EVN NPC. Bà Nguyễn Thị Thơm, thôn Đồng Thanh xã Vạn Hòa nói:
Trong tiến trình phát triển của một xã NTM kiểu mẫu, công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò quan trọng. Chuyển đổi số, xã Vạn Hòa có hệ thống Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Hệ thống Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông đã góp phần tích cực từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin; đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin; đồng thời giúp công tác điều hành của Đảng ủy, UBND xã linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực Văn hóa, xã Vạn Hòa đã bổ sung thêm nhiều trang thiết bị hoạt động cho Trung tâm Văn hóa – Thể thao đảm bảo phục vụ tốt các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trung tâm Văn háo – Thể thao xã được quy hoạch chung với tổng diện tích 5.242m2, cảnh quan môi trường của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã luôn đảm bảo sáng, xanh, sạch đẹp, hài hòa và thân thiện. Nhà văn hóa các thôn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về quy mô và diện tích cho nhân dân sinh hoạt. UBND xã đã huy động nguồn lực bố trí máy tính, hạ tầng đường truyền Internet, Wifi miễn phí tại 8/8 nhà văn hóa thôn để tổ công nghệ số cộng động hướng dẫn trực tiếp cho người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin, giúp người dân không phải đến UBND xã để thực hiện các thủ tục hành chính. Hoạt động văn hóa – văn nghệ phát triển sôi nổi. Các trường học áp ứng CNTT vào giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện, là nền tảng để học sinh nắm bắt xu thế học tập trong môi trường số hiện nay.
Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, mà trọng tâm là xây dựng lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số, xã Vạn Hòa đã thay đổi toàn diện; nhận thức của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ; các mô hình sản xuất mới được hình thành; thu nhập của người dân nâng cao; đời sống vật chất của người dân được cải thiện…Xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đích đến mà xã Vạn Hòa nung nấu chính là sự hài lòng của người dân.
Hoàng Yến
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện Nông Cống
- Huyện ta xây dựng chính quyền số
- Nông dân Nông Cống ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất
- Hội Nông dân huyện thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng NN&PTNT góp phần thực hiện chuyển đổi số
- Xã Trường Sơn thực hiện chuyển đổi số
- Huyện Nông Cống thực hiện công tác chuyển đổi số
- Triển khai thực hiện các tiêu chí chuyển đối số cấp huyện và mô hình “3 không”
- Chú trọng chuyển đổi số ở thôn Liêm Chính , xã Tế Lợi
- Các cấp bộ Đoàn trong huyện với hoạt động chuyển đổi số
- Xã Tế Thắng thực hiện chuyển đổi số