CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Tự hào là Thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 22:12:03 30/04/2024 (GMT+7)
100%

“Tự hào là thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ” là câu nói của Ông Lê Nguyên Trí ở thôn Thanh Liêm, xã Hoàng Sơn. Trong những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi trẻ, ông đã cống hiến thanh xuân của mình cho Tổ Quốc khi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

 783daaf5f75b5905004a.jpg
Ông Lê Nguyên Trí giản dị trong cuộc sống đời thường.
     Ông Lê Nguyên Trí, sinh năm 1930. Tháng 2 năm 1953 với tinh thần sục sôi đánh đuổi giặc Pháp xâm lược ông đã tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Ông được biên chế vào đơn vị C413- N40 tại khu vực Ngã Ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La.
     Ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa đường số 41, (là
quốc lộ 6 ngày nay) với đường số 13 (là quốc lộ 37 ngày nay). Đây là một thung lũng hẹp và sâu, 2 bên là đối đất, nằm ở tọa độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Thực dân Pháp triệt để lợi dụng yếu điếm Ngã Ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt, nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm đã được ném xuống đây.

     Tham gia phục vụ chiến đấu ở vị trí được ví là “túi bom” mà thực dân Pháp trút xuống mảnh đất này. Dù gian khổ, hiểm nguy nhưng trong những năm tháng ấy, ông Trí cùng với đồng đội làm nhiệm vụ chính san lấp hố bom, mở rộng đường, giữ gìn “mạch máu” giao thông cho bộ đội tiến vào đánh chiếm các cứ điểm của giặc tại Điện Biên Phủ. Ngoài ra có khi đơn vị ông còn được giao nhiệm vụ tải lương thực, tải đạn cho mặt trận.

22d8759625388b66d229.jpg

    Những công lao của Ông Lê Nguyên Trí được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

     Dưới mưa bom, bão đạn, ông cùng với đồng đội vẫn hiên ngang, dũng cảm thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho, kiên cường bám đường, san lấp hố bom để cho các lực lượng ngày đêm chi viện cho chiến dịch. Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. Có thể nói không có từ nào để miêu tả hết niềm vui của Nhân dân Việt Nam nói chung, và các thanh niên xung trong trong đơn vị ông nói riêng khi nghe tin chiến thắng. Với ông mỗi lần nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm xúc vui mừng xen lẫn tự hào lại ùa về. Ông Lê Nguyên Trí xúc động nói: “Lúc ấy cả bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đều vỗ tay, reo hò, vui lắm”.

     Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị Thanh niên xung phong của ông tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ san lấp, mở đường phục vụ cho Nhân dân. Đến năm 1957 ông trở về địa phương. Năm 1958 ông tham gia làm Bí thư Đoàn thanh niên xã Hoàng Sơn.

     Sau khi đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, đế quốc Mỹ lại xâm lược nước ta. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2 năm 1962, ông Lê Nguyên Trí lên đường nhập ngũ, biên chế tại đơn vị là Đại đội 31, Sư đoàn 324 của Quân khu IV. Từ tháng 6 năm 1963 đến tháng 12 năm 1966 ông được cử đi học sỹ quan tình báo tại Trường tình báo Vĩnh Phúc. Sau đó ông trải qua nhiều đơn vị công tác như: được điều về Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, công tác ở Bộ Đại học quân sự, Tỉnh đội Thanh Hóa...  Sau 12 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, đến tháng 11 năm 1972 ông phục viên về địa phương.

     Với những đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Lê Nguyên Trí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là: Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhất. Năm 2023 ông được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

ce4a06f95757f909a046.jpg

    Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho Ông Lê Nguyên Trí.

     Trở về cuộc sống đời thường ông Lê Nguyên Trí luôn gương mẫu trong các hoạt động phong trào ở địa phương. Chứng kiến quê hương, đất nước đang đổi thay từng ngày, ông càng thấy trân quý những giá trị của hòa bình. Cựu thanh niên xung phong Lê Nguyên Trí nói: “Tôi và những người đồng đội của tôi đã làm nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược, giành lại hòa bình cho dân tộc. Đó là những con người thật là vĩ đại. Vậy nên các thế hệ hôm nay cần phấn đấu học tập và rèn luyện để tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước”.

     Theo cuốn “Lịch sủ Đảng bộ huyện Nông Cống” tập 1 (1946 – 2005) đã viết: “Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc là một bản anh hùng ca bất hủ. Đảng bộ, Nhân dân Nông Cống mà trực tiếp là chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến là những nốt vang, nốt trầm của bản anh hùng ca bất hủ ấy”.

     Trong âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ, được nghe Ông Lê Nguyên Trí là “người trong cuộc” năm xưa kể lại những ký ức hào hùng của dân tộc, chúng ta càng tưởng nhớ và tri ân sau sắc những hy sinh to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong đã góp phần làm nên đỉnh cao chói lọi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” một kỳ tích trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 

 

Nguyễn Thơ