CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Kí ức học trò!

Đăng lúc: 15:48:28 06/07/2021 (GMT+7)
100%

Tôi trở về quê hương sau một khoảng thời gian dài xa cách: 38 năm, với bao cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng!

 Ho yen my.jpg

Trong ánh hoàng hôn của một ngày mùa hạ, tôi nhận ra cuộc sống trên quê hương đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Con đường đến trường đầy cát bụi, gồ ghề, lồi lõm, vắng bóng người qua lại, thưa thớt nhà cửa, chỉ có những rặng phi lao rì rào trong gió ngày nào - giờ đây là con đường nhựa phẳng lì rộng rãi. Hai bên đường, nhà cửa san sát, nhộn nhịp người qua lại. Phố Chuối xưa im lìm, heo hút thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ thế mà nay sầm uất, đông vui. Đường nhựa rộng rãi, phẳng lì, nhộn nhịp người qua lại. Những ngôi nhà cao tầng khang trang và các cửa hiệu rực rỡ ánh đèn nhấp nháy khi màn đêm buông xuống mọc lên như nấm.

Lần theo con đường chính của phố huyện, tôi dạo bước đến ngôi trường PTTH Nông Cống I, nơi đã gắn bó với tôi nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.  Trường xưa ngói cũ rêu phong, thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ đã nhường chỗ cho những dãy nhà tầng cao ráo, đẹp đẽ. Sân trường lát gạch trống trơn với những bồn hoa, cây cảnh xanh tốt bốn mùa. Dưới gốc cây cổ thụ là những chiếc ghế đá xinh xắn tiện lợi cho học sinh truy bài, thư giãn vào giờ ra chơi. Trong các phòng học, bàn ghế Xuân Hòa hai chỗ ngồi được kê từng dãy ngay ngắn. Mỗi phòng học đều gắn ti vi màn hình lớn, rất thuận lợi cho việc dạy và học. Đó đây, trên sân trường, rực rỡ một sắc đỏ của hoa phượng. Nghe âm thanh rộn rã của các nghệ sĩ ve sầu tấu lên bài ca muôn thưở chào mùa hè, làm con tim tôi như đập rộn ràng hơn. Bao kỉ niệm chợt ùa về, sống dậy trong tôi: mùa phượng nở với tiếng ve kêu và sân trường đầy nắng mỗi độ hè về! Những bữa cơm trưa khoai sắn ngọt bùi cùng bạn bè của một thời để nhớ! Những buổi lao động đào mương, lội ruộng, bùn ngập ngang ống chân! Nhớ những ngày tháng 5 đi gặt lúa dưới cánh đồng Vạn Thiện (ngày ấy mỗi lớp có một đám ruộng của thầy và trò cấy lúa hàng năm để xây dựng quỹ lớp), bùn ngập ngang bắp chân thế mà cái C lớp tôi bố mẹ đều làm công nhân chưa bao giờ phải lội ruộng vẫn hăng hái cắt lúa. C bị đỉa đói bám chân, bạn ấy càng nhắm mắt kéo con đỉa ra thì nó càng cố bám. Nhìn bạn nước mắt rơi lã chã chúng tôi đang cắt lúa cũng phải chạy lại để bắt đỉa giúp bạn. Và từ khi con đỉa được lôi ra, bạn ấy không dám xuống ruộng nữa. Rồi những buổi dọn vệ sinh sau trường có bạn gái sợ sâu bị mấy bạn trai nghịch ngợm bỏ vào cổ áo vừa chạy, vừa thét... Những trò đùa tinh nghịch của lũ học trò nhất quỷ nhì ma ngày nào như hiện ra trước mắt tôi, khiến tôi cảm thấy tất cả dường như mới diễn  hôm qua!

7d038d9efe6f91d0c7901a1a5a47703f.jpgC
Cổng trường luôn rộng mở đón chào bao thế hệ học trò

 

    Trong dòng kí ức miên man ấy, tôi nhớ về dòng sông quê hương - con sông  Chuối chảy qua trường tôi. Dòng sông gắn liền với bao kỉ niệm tuổi học trò hồn nhiên vô tư và tinh nghịch. Nhớ đêm trăng mùa hạ sáng tỏ, lớp tôi được phân công trực trường. Sau khi ăn cơm xong, tụi con gái chúng tôi rủ nhau ra sông tắm. Hòa mình trong làn nước mát rượi, chúng tôi đùa nghịch, vùng vẫy thỏa thích. Vào buổi tối, thủy triều lên làm nước sông dâng cao nên chúng tôi cũng chỉ dám tắm ở bậc xi măng trên bến không dám ra xa. Bỗng chị T.N - lớn tuổi nhất lớp tôi - trượt chân nên chị bị dòng nước triều dâng cuốn ra xa. Chị kéo theo cả một cô bạn nữa. Nhìn hai người chơi vơi “giã gạo” giữa dòng sông mênh mang mà không biết bơi, chúng tôi hoảng hốt kêu cứu thất thanh, may có các anh lớp lớn cùng trực nghe thấy vội bơi ra cứu. Sau một hồi lặn ngụp dưới nước, các anh đã đưa được một chị vào bờ nhưng còn chị T.N mãi vẫn chưa tìm thấy. Ở trên bờ, lũ con gái chúng tôi vừa lo hô hấp cho chị bạn mới được cứu, vừa lo lắng cho chị T.N không biết ra sao. Có nhiều tiếng khóc thút thít vang lên gọi tên chị: “T.N ơi! chị ở đâu?...”cùng những ánh đèn pin rọi lia lịa trên mặt sông. Rồi niềm vui chợt đến với chúng tôi - chị T.N đã được đưa vào bờ. Người chị trắng bệch, lạnh toát, môi tái nhợt, mắt nhắm nghiền. Chị nằm im, hai tay buông thõng không cử động khiến ai cũng lo lắng. Các thầy cô giáo hớt hải xúm lại thay nhau hô hấp nhân tạo và dốc ngược chị lên cho nước chảy ra. Một lúc lâu sau, chị ợ ra bao nhiêu là nước và từ từ tỉnh lại khiến chúng tôi òa lên khóc nức nở vì vui mừng chị đã qua cơn nguy kịch. Sau đó, chị được đưa vào bệnh viện huyện để cấp cứu. Cả đêm hôm ấy, chúng tôi thay nhau chăm sóc cho chị. Và cũng từ lần ấy, không bạn nào dám ra sông tắm nữa nhưng dòng sông đã trở thành một kỉ niệm không thể quên được trong nỗi nhớ của chúng tôi những năm tháng xa quê.

                                                                                                                       Đang xuôi theo dòng cảm xúc bâng khuâng, tôi giật mình vì tiếng cười khúc khích của các bạn học sinh ôn bài trên ghế đá dưới gốc phượng. Nhìn gốc cây cổ thụ đầy những vết khắc tên của bao thế hệ học trò, khiến tôi bồi hồi nhớ lại ánh mắt trìu mến yêu thương của bạn bè cuối cấp. Cũng dưới gốc cây này, chúng tôi đã trao cho nhau chùm phượng nở khi hè về. Sắc đỏ của hoa như thắp sáng trong tim mỗi người bao mơ ước của bầu trời phía trước. Và không ai bảo ai, chúng tôi vùi đầu vào trang vở cho kì thi đại học năm ấy, để lời yêu thương còn ngập ngừng chưa nói nên lời. Rồi chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một lựa chọn, một đường đi cho riêng mình. Khoảng cách địa lí và thời gian, cùng bao trở ngại của cuộc sống gian truân làm cho chúng tôi mãi mãi biệt ly.

47bdf3faf01ea2f8332288d8bfb58923.jpg

Hè về, ngôi trường thấp thoáng trong vòm cây xanh 

Vậy là đã 38 năm trôi qua! Bạn bè tôi, những chàng trai, cô gái tuổi 18 đôi mươi ngày nào, nay đã lên ông, lên bà. Mái tóc điểm bạc. Những “ngoặc đơn”, “ngoặc kép” xuất hiện trên khuôn mặt cùng chấm đồi mồi ghi dấu sự tàn phai theo năm tháng cuộc đời. Thời gian và tuổi tác không làm giảm đi niềm vui của ngày hội ngộ. Những vòng tay dang rộng ấm áp, những tiếng cười giòn tan vang vọng trong chiều buông. Người nào, người nấy tay bắt, mặt mừng, hồ hởi ôn lại kỉ niệm của tuổi học trò. Bao cái tên bạn bè lại được mọi người tranh nhau nhắc tới cùng những giọt nước mắt ngập ngừng rơi khi biết tin người còn, người mất…

Vâng! Tất cả đã đổi thay, tất cả đã thuộc về quá khứ của một thời xa vắng nhưng vẫn còn đây nguyên vẹn tình cảm ấm áp, vui tươi của bạn bè. Những nụ cười và vòng tay yêu thương của bạn gái, những câu đùa tinh nghịch, dí dỏm của bạn trai đã đưa tôi trở lại kí ức tuổi thơ êm đềm của tuổi 18 vô tư, hồn nhiên, trong sáng ấp ủ bao hoài niệm ước mơ! Niềm vui ngày hội ngộ xua tan đi bao vất vả, lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh. Bên nhau trong bữa cơm chiều đạm bạc nhưng thấm đượm tình quê, ấm áp tình bạn chân thành và nồng hậu làm tâm hồn mỗi người như trẻ lại. Nghe lời hát: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi! Con sông dạt dào như lòng mẹ, chở con đi qua chớp bể mưa nguồn…” của một nam ca sĩ “nghiệp dư” bạn cất lên trầm ấm khiến lòng tôi bồi hồi xúc động! Cùng bên nhau ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ, lung linh của cầu Chuối về đêm, ngắm nhìn dòng sông quê hương trào dâng nước thủy triều lên khiến lòng thanh thản, nhẹ nhõm kì lạ. Và cứ thế các “chàng trai, cô gái U50” tâm hồn như trẻ lại: hồn nhiên, vô tư, tranh nhau ôn lại kỉ niệm xưa…Thế mới biết dẫu có “vật đổi sao dời” nhưng tình cảm bạn bè chân thành, ấm áp thì không bao giờ đổi thay mà ngày càng trở nên gắn bó hơn xưa vì nó đã được tôi luyện qua biết bao thăng trầm trong cuộc đời của mỗi con người.

be729665d3ab4929313bd24978d78980.jpg
Cầu Chuối, lung linh, huyền ảo về đêm

 

Ba mươi tám năm, kể từ mùa hạ năm ấy, chúng tôi giã từ mái trường yêu dấu để mỗi người tự bước đi trên hành trình dài, rộng của cuộc đời - nơi có niềm vui và những giọt nước mắt thầm lặng rơi! Lòng như thầm hỏi, như tự trách mình sao không dành một chút thời gian cho một lần gặp gỡ? Sao ta lại vô tình lãng quên kí ức học trò ngọt ngào, đầy ắp kỉ niệm yêu thương của một thời để nhớ - Thời áo trắng mộng mơ!

                                                                           Trịnh Thị Hường                                                                      

 

Các tin khác