CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Quân và dân huyện Nông Cống trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Đăng lúc: 22:43:26 30/04/2024 (GMT+7)
100%

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi to lớn và oanh liệt nhất của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ xâm lược. Thắng lợi đó là tất yếu của cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài, gian khổ và vô cùng anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó quân và dân Nông Cống cũng có những đóng góp to lớn.

 nhan-dan-1208-1714322802.png
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiễn đưa đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh tư liệu
     Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị TW Đảng họp bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 – 1954 và ra nghị quyết lịch sử. Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những quân sự mà về cả chính trị, không những đối với cả nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã trở thành ý chí, hành động cụ thể của quân và dân cả nước.

     Từ những tháng đầu năm 1953 tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Nông Cống nói riêng sôi động bước vào chuẩn bị mọi mặt cho việc tác chiến bảo vệ địa phương và chuẩn bị sức người, sức của cung cấp cho tiền tuyến. Năm 1953 huyện Nông Cống tuyển được 1.800 thanh niên nhập ngũ, nhiều hơn tổng số quân từ năm 1947 đến năm 1950. Toàn huyện có hơn 300 gia đình có từ 2 đến 3 con nhập ngũ.

     Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”. Đảng bộ, nhân dân Nông Cống một lần nữa cùng nhân dân cả tỉnh lại gánh vác trọng trách thiêng liêng cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch. Huyện ủy Nông Cống tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt phổ biến mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và kế hoạch huy động dân công và lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chi ủy, Chi bộ, Ủy ban kháng chiến – hành chính các xã tổ chức hội nghị nhân dân triển khai nhiệm vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn hàng vạn cán bộ, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ xung phong tình nguyện lên đường tham gia dân công, tiếp vận phục vụ chiến dịch. Các tổ chức thanh niên, phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ, hội phụ lão… tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men ủng hộ các đơn vị dân công và bộ đội. Cả huyện Nông Cống sôi nổi chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tiễn đưa dân công, thanh niên lên đường. Đợt 1 hàng vạn dân công ngắn hạn và dài hạn, trong đó có 378 dân công dài hạn tổ chức thành 9 đội nam và 1 đội nữ tải thương, 1 đại đội xe đạp thồ của xã Hoàng Sơn cùng dân công cả tỉnh vượt đèo, lội suối lên đường phục vụ chiến dịch. Dân công Nông Cống đã cùng dân công toàn tỉnh vượt 150 chỉ tiêu kế hoạch vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, hàng hóa.

bk.1474_resize-1417x958.jpg

    Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN

     Từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954, trong 56 ngày đêm, trải qua 3 đợt chiến đấu và cũng là 3 đợt dân công phục vụ bộ đội ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đợt 1 quân ta nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công dài hạn huyện Nông Cống và Thanh Hóa đã xung phong tình nguyện ở lại phục vụ bộ đội chiến đấu; dợt 2 dân công Nông Cống cùng dân công cả tỉnh vượt chỉ tiêu 3 ngày. Chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, dân công Nông Cống lại cùng với dân công cả tỉnh tình nguyện xung phong ở lại phục vụ chiến đấu đợt 3. Đợt này trên toàn tuyến có 3.780 dân công Nông Cống tham gia phục vụ chiến dịch.

     Do nhu cầu khẩn cấp của chiến dịch, trung tuần tháng 4 năm 1954, TW giao tiếp cho Thanh Hóa 2000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm phải hoàn thành vào 31/5/1954. Cả tỉnh lúc này lúa dự trữ đã hết, nhân dân đang ở giai đoạn “dốc bồ”, lúa ngoài đồng chưa đến độ thu hoạch, nhưng với quyết tâm “tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”, nhân dân Nông Cống cũng như nhân dân cả tỉnh ra đồng cắt tỉa từng bông lúa đã chín. Kết quả được 5000 tấn gạo cung cấp kịp thời ra mặt trận.

     Ngày 7/5/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.

978-ttxvn-dien-bien-phu-3212-15-46-47.jpg

    Chiều 7/5/1954 lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh TTXVN

     Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Nông Cống được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đại đội xe đạp thồ Hoàng Sơn được Chính phủ tặng Huân chương chiến công Hạng Nhất, 5.129 cán bộ, chiến sĩ và dân công trong huyện được Chính phủ tặng Huân, Huy chương các loại. Chiến sĩ Hoàng Thị Mợi, quê xã Vạn Hòa được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc và hàng chục chiến sĩ, dân công trong huyện được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Quân khu.

     Sự nỗ lực của quân và dân huyện Nông Cống, cùng với quân và dân cả tỉnh, cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu. Thắng lợi này đã tạo đà cho Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Nông Cống bước vào thời kỳ mới. Thời kỳ cùng cả nước chống đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.

 

 Nguyễn Thơ